Tiểu sử Võ Văn Tần

Đồng chí Võ Văn Tần sinh năm 1891, tại làng Bình Tả, xã Đức Hòa Hạ, huyện Đức Hòa, tỉnh Chợ Lớn (nay thuộc huyện Đức Hòa, tỉnh Long An) trong một gia đình nông dân có truyền thống yêu nước. Lúc trẻ, Võ Văn Tần theo học chữ Hán, sau đó thấy chữ Hán ít thông dụng, nên tiếp tục học chữ quốc ngữ. Vào đời, Võ Văn Tần làm thầy giáo làng dạy chữ Hán, ông có dịp hiểu sâu sắc đời sống cơ cực của nông dân.



Chân dung đồng chí Võ Văn Tần - tranh do gia đình thuê vẽ sau năm 1954.

Làm “thầy đồ” không đủ sống, Võ Văn Tần xuống Sài Gòn làm nghề kéo xe. Ở đây có dịp tìm hiểu thêm cảnh sống khốn cùng của người lao động, ông nuôi chí căm thù bè lũ xâm lược và tay sai. Những năm 1924-1925, Võ Văn Tần tham gia “Hội kín Võ An Ninh” và tích cực hoạt động trong tổ chức yêu nước này.
Cuối năm 1929, nhận thấy những mặt hạn chế của “Hội kín”, ông cùng một số hội viên tích cực khác gia nhập Tân Việt Cách mạng Đảng (sau đổi thành Đông Dương Cộng sản Liên đoàn). Võ Văn Tần là Bí thư Chi bộ Đông Dương Cộng sản Liên đoàn đầu tiên ở quận Thủ Đức. Khi Quận ủy Đức Hoà thành lập, Võ Văn Tần được cử làm Bí thư.
Vào ngày 4-6-1930, để phối hợp với phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân và biểu dương lực lượng quần chúng, Liên tỉnh ủy chủ trương phát động cuộc đấu tranh của nông dân trên quy mô liên tỉnh Gia Định-Chợ Lớn. Nhiều cuộc biểu tình đồng loạt nổ ra ở Hóc Môn, Bà Hom và Đức Hoà. Tại Đức Hoà quần chúng nhân dân tham gia biểu tình theo ba hướng, tạo thành ba cánh tiến về quận lỵ. Đồng chí Võ Văn Tần được phân công phụ trách cánh từ Bầu Trai đi xuống. Khi đoàn biểu tình kéo về quận lỵ thì địch đàn áp, đồng chí đã trực tiếp lãnh đạo quần chúng chống trả quyết liệt. Sau cuộc biểu tình, tại Đức Hoà, địch tăng cường đàn áp, khủng bố. Không bắt được Võ Văn Tần chúng đã kết án tử hình vắng mặt đồng chí.

Đầu năm 1931, ông được cử làm Bí thư Tỉnh ủy Chợ Lớn, tiếp đó năm 1932 ông làm Bí thư Tỉnh ủy Gia Định. Ông chú trọng tuyên truyền giáo dục, vận động quần chúng, củng cố phát triển cơ sở và cho ra tờ báo “Lao Động” để tuyên truyền vận động các tầng lớp nhân dân. Năm 1937, Võ Văn Tần được cử làm Bí thư Xứ ủy Nam kỳ sau đó được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam.
 Dưới sự lãnh đạo của Xứ ủy, đứng đầu là đồng chí Võ Văn Tần, phong trào đấu tranh cách mạng của nhân dân Sài Gòn và các tỉnh Nam kỳ phát triển khá đều và mạnh. Ông là linh hồn của phong trào cách mạng ở Nam kỳ.
Ngày 14-7-1940, địch bắt đồng chí Võ Văn Tần trong lúc đang họp tại nhà chị Nà, một cơ sở của Đảng ở xã Tân Thới Trung (Hóc Môn). Biết Võ Văn Tần là một cán bộ cao cấp của Đảng, địch đưa về giam ở bốt Catina. Bọn mật thám đã dùng mọi thủ đoạn tra tấn, hòng tìm những cơ sở đảng nhưng đều thất bại. Sau gần một năm giam giữ, bằng mọi thủ đoạn dụ dỗ, tra tấn dã man làm cho đồng chí chết đi sống lại nhiều lần bọn địch không khai thác được gì ở đồng chí. Không thể khuất phục được người cộng sản kiên cường, thực dân Pháp đưa Võ Văn Tần ra toà án binh, lấy cớ “chịu trách nhiệm về mặt tinh thần cuộc rối loạn ở Nam Kỳ” năm 1940 và để kết án tử hình đồng chí.
7 giờ sáng 28-8-1941, địch đã xử bắn đồng chí Võ Văn Tần cũng với các đồng chí Hà Huy Tập, Nguyễn Thị Minh Khai, Nguyễn Hữu Tiến tại Khu giếng nước (nay là Bệnh viện Hóc Môn). Sau khi hy sinh, đồng chí không có bức ảnh chân dung nào. Do vậy, gia đình đồng chí đã thuê người vẽ lại chân dung tại quê nhà sau năm 1954 và đã được những người thân trong gia đình, những người hoạt động cùng với đồng chí công nhận là rất giống đồng chí lúc còn sống. Bức vẽ này đã được gia đình tặng lại Bảo tàng Lịch sử quốc gia nhân dịp đoàn cán bộ của bảo tàng đến sưu tầm. Bức vẽ chân dung đồng chí Võ Văn Tần đã được lưu giữ cẩn trọng và mang số ký hiệu 5124/ ĐD 459, kích thước 30 x 40cm, tranh vẽ sơn dầu có khung gỗ màu nâu. Thời gian trôi qua đã lâu nhưng màu sơn vẽ vẫn còn mới, toát lên hình ảnh một người Bí thư Xứ ủy đầy cương nghị, có tấm lòng kiên trung với Đảng, với dân, lối sống giản dị, chân thành và trong sáng.

Đài tưởng niệm đồng chí Võ Văn Tần tại Đức Hòa, Long An

Nhân kỷ niệm 120 năm ngày sinh của đồng chí Võ Văn Tần (8/1891-8/2011), Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã đến dự tại Long An và có bài phát biểu tại lễ kỷ niệm, trong bài phát biểu đồng chí đã nêu rõ: “Trách nhiệm của chúng ta hôm nay là làm sao khơi dậy và phát huy truyền thống ấy để tinh thần cách mạng của ông Võ Văn Tần nói riêng, các thế hệ chiến sĩ Cộng sản nói chung trở thành nền tảng và động lực cho chúng ta: nhất là thế hệ trẻ hôm nay và mai sau học tập và noi theo, nhằm vươn tới tương lai, góp phần vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”.
Ngày nay, tên của người chiến sĩ cộng sản Võ Văn Tần được đặt cho nhiều con đường tại thành phố Hồ Chí Minh và địa phương khác trong cả nước. Trên quê hương Long An, tên ông được đặt cho một con đường tại trung tâm phường 2, thành phố Tân An. Tại huyện Đức Hòa, nơi ông lãnh đạo cuộc đấu tranh ngày 4/6/1930, một công viên văn hóa-lịch sử và một ngôi trường vinh dự mang tên ông. Chiến tranh đã lùi xa, nhưng tên tuổi và cuộc đời hoạt động của nhà cách mạng Võ Văn Tần vẫn sống mãi với bao thế hệ người dân Long An nói riêng và nhân dân cả nước nói chung, mãi mãi là tấm gương cho thế hệ trẻ noi theo và học tập.

Oldest